Bánh Mochi được biết đến như một món ăn nổi tiếng trong văn hóa ẩm thực của Nhật Bản, được lưu truyền đã từ rất lâu nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc và sự hấp dẫn vốn có từ thuở ban đầu. Có rất nhiều loại mochi hấp dẫn hiện nay với những màu sắc, hương vị đặc trưng riêng biệt, thu hút niềm đam mê và hứng thú của hàng triệu thực khách. Cùng khám phá về loại bánh truyền thống độc đáo này qua những thông tin chi tiết phía dưới bài viết bạn nhé.
Bánh Mochi là loại bánh đặc biệt như thế nào?
Bánh mochi (Moh-chee) có nguồn gốc từ xứ sở hoa anh đào, xuất hiện rất lâu về trước (khoảng thế kỷ mười tám). Người Nhật thường sử dụng loại bánh này trong những dịp lễ, tết hoặc là họp mặt gia đình, quây quần bên nhau.
Hình dáng tròn đầy của những chiếc mochi được cho là sẽ đem đến may mắn cho người thưởng thức nó. Bánh Mochi truyền thống có nhân đậu đỏ cũng là một màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, đủ đầy.
Mochi xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học, các bản tin quảng bá văn hóa người Nhật. Nhìn qua hình thức thấy nó có vẻ đơn giản, không có quá nhiều ấn tượng, thế nhưng khi thưởng thức mới thấy được những tinh hoa ẩn chứa sau món ăn độc đáo này. Thực tế thì ngày nay, người ta cũng sáng tác thêm nhiều phong cách bánh mochi với hình thức bắt mắt hơn, thu hút thực khách hơn nhiều.
Những năm trở lại đây, người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ Việt cực kỳ yêu thích loại bánh mochi hấp dẫn này. Sự đa dạng về hình thức và nhân bánh như hiện nay khiến cho món ăn này đáp ứng khẩu vị của nhiều người hơn, ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Đặc điểm của những chiếc Bánh mochi truyền thống
Bánh mochi truyền thống Nhật Bản có hình tròn đều (như bánh trôi của Việt Nam nhưng kích thước thì to hơn). Những chiếc bánh nằm nhỏ gọn trong lòng bàn tay của một người và cực kỳ vừa vặn khi thưởng thức, không hề gây cảm giác ngấy ngán.
Bánh mochi được làm với 3 lớp tách biệt nhau bao gồm:
- Lớp vỏ ngoài cùng làm bằng bột gạo nếp dẻo thơm. Người làm bánh phải chọn lựa nguyên liệu cẩn thận, những hạt gạo trắng mẩy đều đặn mới cho ra được lớp vỏ trắng ngần, dẻo dẻo, thơm thơm, độ kết dính hợp lý.
- Lớp thứ hai chính là lớp nhân đậu đỏ. Ngày nay người ta có thể biến tấu lớp nhân này với rất nhiều những nguyên liệu khác nhau, chẳng hạn như đậu đen, mè đen, đậu phộng, trà xanh, đậu xanh, dâu tây, kem tươi… tùy thuộc khẩu vị.
- Lớp lõi ở trong cùng thông thường sẽ là một lớp kem lạnh, khi ăn hòa quyện cùng vị gạo và nhân đậu giúp cho món ăn thêm vị thanh thanh, ngọt vừa phải và chống ngán.
Bánh mochi Nhật Bản với những điều thú vị đằng sau
Bây giờ chúng ta biết đến bánh mochi với hình dáng tròn đầy, xinh xắn, thế nhưng không nhiều người biết được rằng trước đây những chiếc bánh này không phải được làm hình tròn mà là hình chữ nhật, với tên gọi là kaku – mochi. Bởi vì sao có hình dáng như vậy? Vì trước đây nhiều người cùng góp vào nguyên liệu làm bánh nên ra thành phẩm cũng phải chia đều, và bánh hình chữ nhật thì rõ ràng sẽ khiến cho chúng ra dễ dàng chia đều đặn cho tất cả mọi người.
Vì vậy lúc bắt đầu ra đời, bánh Mochi biểu trưng cho tình làng nghĩa xóm quây quần bên nhau, khăng khít bền chặt. Sau này nương theo quan niệm của người châu Á về hình tròn biểu hiện cho sự tròn đầy viên mãn, nên người ta mới sửa đổi những chiếc bánh thành hình tròn với ước nguyện may mắn, thuận lợi, sung túc và giàu sang đến với mọi nhà.
Người Nhật sử dụng loại bánh truyền thống này cho hầu hết tất cả các dịp lễ tết quan trọng. Tuy nhiên mỗi địa phương khác nhau có thể có những phiên bản mochi không trùng lặp.
Khi ăn bánh mochi người ta thường không cắt ra mà cho cả chiếc bánh vào trong miệng. Do đó khi ăn phải cẩn thận, bởi nếu như người già hoặc trẻ nhỏ không nhai kỹ mà đã nuốt xuống sẽ dễ gây nghẹn, tắc nghẽn đường thực quản. Loại bánh này vốn được làm với lớp vỏ bánh bên ngoài từ bột gạo dẻo và dính nên gây khó khăn khi nhai nuốt.
Bánh mochi là món bánh rất dễ để làm thành công
Tùy thuộc vào loại nhân bánh bạn muốn cho vào là gì mà có thể chọn lựa nguyên liệu và cách thức thực hiện khác nhau. Chẳng hạn nếu như làm bánh nhân đậu đỏ thì công đoạn làm nhân sẽ phải ninh nhừ đậu đỏ và đem đi sên, với trà xanh thì phải đem bột matcha đi nấu nóng cho cô đặc lại. Nếu như làm bằng nhân kem lạnh thì phải chuẩn bị nguyên liệu kem tự làm hoặc mua ngoài tiệm… Bài viết này sẽ giới thiệu tổng quát cách làm với nhân đậu đỏ truyền thống.
Đậu đỏ mua về đem rửa sạch và ngâm mềm, sau đó đem ninh trong nước đến khi nhừ hẳn thì đổ ra. Ở đây chúng ta sẽ lấy cả nước đậu vừa nấu, cho hết vào máy xay nhuyễn ra (nếu như không có máy thì bạn vớt riêng hạt đậu lấy thìa làm nhuyễn). Sau đó trộn với đường vừa ăn, cho lên chảo chống dính sên đến khi đông đặc lại thì nặn thành những viên tròn, để riêng ra đợi làm vỏ bánh.
Phần vỏ bánh Mochi sẽ làm từ bột gạo nếp trộn vài hạt muối, cho nước vào từ từ, đánh tan bột thành hỗn hợp đồng nhất dạng lỏng, sau đó đem hấp bột trong khoảng 30 phút cho chín hẳn. Tiếp đến phủ lên tấm thớt một lớp bột gạo nếp khô rồi dàn bột mỏng và cắt thành từng phần nhỏ, vo tròn rồi tán mỏng ra, cho nhân vào bên trong, kéo bột gạo bên ngoài phủ kiến phần nhân và nặn lại thành hình tròn đều.
Bảo quản bánh mochi ra sao để giữ trọn vị ngon của nó
Thường thì người ta có thể bảo quản bằng 2 cách là để trong tủ lạnh hoặc là bảo quản ở nhiệt độ phòng bình thường.
Với cách thức bảo quản trong tủ lạnh, bạn có thể để mochi trong ngăn đông và sử dụng trong khoảng 10 ngày, còn nếu như để ở ngăn mát thì thời gian sử dụng bánh mochi sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 7 ngày.
Cách thức bảo quản bánh mochi ở điều kiện thường (môi trường bên ngoài) thì bạn nên sử dụng bánh trong khoảng thời gian khoảng chừng 10 tiếng thôi. Nếu để quá lâu có thể làm ảnh hưởng chất lượng bánh, có hại cho hệ tiêu hóa.
Những loại mochi nổi tiếng hiện nay
Bánh Mochi có thể được làm với những loại nhân bánh khác nhau, biến tấu và thay đổi tùy thuộc vào từng địa phương, ngay cả ở Nhật Bản cũng không phải chỉ lưu hành một loại mochi. Các loại mochi nổi tiếng nhất được biết đến như là:
Bánh mochi Dango
Loại mochi này là loại bánh được người Nhật sử dụng ăn trong dịp lễ Trung Thu hàng năm.
Bánh Kashiwamochi
Đây là một loại bánh với nhân bên trong là đậu đỏ, bên ngoài là lớp bột gạo nếp sau đó thì phủ thêm một lớp lá sồi. Loại này được dùng nhiều trong dịp Tết Thiếu Nhi của người Nhật.
Bánh Iwai Mochi
Loại bánh mochi này có nhân đậu đỏ truyền thống, được người Nhật sử dụng ăn vào các ngày lễ, ngày mừng thọ của người già, ngày nhập học,… tóm lại là trong những dịp quan trọng, những dấu mốc cuộc đời của một người.
Bánh Namagashi
Loại bánh này sử dụng vỏ bánh có nhiều màu ( thường sẽ là 4 màu vàng, hồng, trắng và xanh lá). Sau khi làm bánh xong, người ta đóng dấu lên trên mặt nó một dấu hình hoa đào. Đây là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Toyama (Nhật).
Bánh Zundamochi
Zundamochi là loại mochi được người Nhật dùng để ăn kèm với đậu nành nghiền nhuyễn. Ngay khi nghiền xong đậu nành người ta sẽ trộn vào đây một ít đường và muối để thêm vị đậm đà cho món ăn.
Loại bánh Natto Mochi
Đây cũng là một loại bánh mochi rất đặc biệt của người Nhật. Loại bánh này có bên ngoài là bột gạo nếp và nhân bên trong được làm bằng đậu nành lên men – một thức ăn yêu thích của họ từ nhiều năm nay.
Bánh Kuzumochi
Loại bánh này có mùi của cây ngải cứu cùng với một màu xanh hết sức đặc trưng, vỏ bánh bên ngoài chính là lấy nước cốt ngải cứu trộn với bột nếp trắng rồi đem hấp lên, nhân bánh bên trong vẫn là mứt đậu đỏ.
Shiruko
Loại này có cách ăn hơi khác, không phải là ăn dạng bánh khô mà ăn giống như chè trôi nước, dùng kèm với đậu Azukhi của Nhật.
Các món bánh mochi phổ biến du nhập vào Việt Nam
Bánh mochi Daifuku: loại bánh này có nhân bên trong được làm từ mứt đậu đỏ hoặc là mứt đậu trắng. Vỏ bên ngoài bánh có thể có màu trắng hoặc là màu nâu. Sau khi nặn bánh xong, người ta sẽ phủ thêm bên ngoài từng chiếc bánh thêm một lớp bột gạo khô để những chiếc bánh không bị dính vào nhau mà vẫn giữ được vẻ ngoài tròn trịa.
Bánh Mochi Ichigo Daifuku: có nhân bánh được làm từ loại mứt anko (mứt đậu đỏ nấu với đường trắng), thêm vào mỗi chiếc bánh là một quả dâu tươi bên trong nhân. Vị chua của dâu, vị ngọt của mứt đậu đỏ được hòa quyện trung hòa với nhau tạo nên một mùi vị hết sức đặc biệt, vừa miệng, dẻo thơm. Đây là một món bánh ăn vặt được giới trẻ vô cùng yêu thích.
Kusa Mochi: Còn có tên gọi khác là Mochi Cỏ Xanh. Đây là một loại bánh mochi đặc trưng vị ngải cứu xanh và luôn xuất hiện trong những dịp lễ tế quan trọng của người Nhật. Tại Việt Nam, vị ngải cứu trong miếng bánh cũng hết sức gần gũi vì đây là loại cây được sử dụng nhiều trong ẩm thực Việt, bởi thế đa phần người Việt đều thích thưởng thức loại bánh này.
Mochi Ice Cream hay Mochi kem: loại bánh này có lớp nhân bên trong là lớp kem mát lạnh, mềm mịn dễ ăn, kết hợp với vỏ bánh dẻo dẻo bên ngoài đem đến hương vị cực cuốn, đặc biệt hợp khẩu vị của trẻ em và thanh niên. Bởi thế nên loại bánh này bán rất chạy tại Việt Nam.
Kết luận
Bánh Mochi là một loại bánh rất đặc trưng đến từ nước Nhật, có nhiều phiên bản khác biệt với màu sắc và mùi vị đa dạng. Loại bánh này cũng rất dễ làm, người không từng thử qua cũng có thể thành công nếu như kiên trì thực hiện đúng các bước. Chính bởi những điểm độc đáo thú vị này mà món bánh ngày càng phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.